Khép lại phiên giao dịch ngày 2/4, giá dầu tăng gần 2%. Sự leo dốc của giá dầu được hỗ trợ bởi lo ngại các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào các cơ sở năng lượng của Nga gia tăng và xung đột leo thang ở Trung Đông. 

Giá dầu Brent giao tháng 6 tăng 1,5 USD, tương đương 1,7%, lên mức 88,92 USD/thùng sau khi chạm mức cao nhất kể từ tháng 10-2023 – 89,23 USD/thùng.

Giá dầu thô WTI của Mỹ kỳ hạn tháng 5 tăng 1,44 USD, tương đương 1,72%, lên mức 85,15 USD/thùng. Mức giá cao nhất trong phiên của dầu WTI là 85,46 USD/thùng.

Theo Reuters, ngày 2/4, một máy bay không người lái đã tấn công Taneco – nhà máy lọc dầu lớn thứ ba của Nga, gây ra hỏa hoạn tại đây. Đám cháy đã được dập tắt 20 phút sau đó, sản lượng của nhà máy không bị gián đoạn.

Trong khi đó, nhà máy xử lý khí Astrakhan của Nga do tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom kiểm soát đã tạm dừng sản xuất các sản phẩm dầu để sửa chữa từ ngày 30-3.

Tại Trung Đông, Iran thề sẽ trả thù Israel sau cuộc không kích cướp đi sinh mạng của 2 tướng và 5 cố vấn quân sự tại khu Đại sứ quán Iran ở Damascus.

Tamas Varga của nhà môi giới dầu mỏ PVM nhận xét Israel đã xung đột với Hamas ở Gaza, nhưng sự tham gia trực tiếp của Iran có thể gây ra một “cuộc xung đột trên toàn khu vực” và điều này sẽ tác động mạnh đến nguồn cung dầu.

Trong khi tồn kho nhiên liệu xăng và dầu diesel của Nga – một trong ba nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới và một trong những nhà xuất khẩu sản phẩm dầu lớn nhất thế giới – vẫn ở mức cao thì tồn kho dầu của Mỹ tiếp tục giảm. Số liệu từ Viện Dầu khí Mỹ cho thấy trong tuần kết thúc vào ngày 29-3, tồn kho dầu thô của Mỹ đã giảm 2,3 triệu thùng. Tồn kho xăng của Mỹ giảm 1,416 triệu thùng và tồn kho sản phẩm chưng cất giảm khoảng 2,548 triệu thùng. Số liệu chính thức về tồn kho xăng dầu của Mỹ sẽ được Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ công bố vào hôm nay.

Trong một diễn biến khác, một tổ chức sinh thái thông báo phát hiện của vệ tinh châu Âu về một vụ tràn dầu ở phía bắc biển Caspian, gần mỏ dầu khổng lồ Kashagan của Kazakhstan.

Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, nhóm OPEC+, không thể khuyến nghị bất kỳ thay đổi nào về chính sách sản lượng tại cuộc họp trực tuyến vào ngày 3/4. Theo các nguồn tin, Ủy ban giám sát chung cấp bộ trưởng của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, nhóm OPEC+, không thể khuyến nghị bất kỳ thay đổi nào về chính sách sản lượng tại cuộc họp trực tuyến vào ngày 3/4, khi giá dầu đã chạm mức cao nhất trong năm nay.

Cuộc họp sắp diễn ra sẽ đánh giá về thị trường và việc các thành viên thực hiện các cam kết cắt giảm sản lượng. Các thành viên OPEC+ trong tháng trước đã nhất trí tiếp tục cắt giảm sản lượng tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày để hỗ trợ thị trường.

Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cuối tuần trước cho biết nước này sẽ tập trung cắt giảm sản lượng thay vì xuất khẩu trong quý II/2024 cho tương xứng với các nước thành viên khác trong nhóm.

Khi chính sách cắt giảm sản lượng tự nguyện hết hiệu lực vào tháng 6/2024, tổng mức cắt giảm sản lượng của OPEC+ dự kiến giảm xuống 3,66 triệu thùng/ngày như mức đã nhất trí trong giai đoạn bắt đầu cắt giảm vào năm 2022.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Bình luậnx