Nhiều thông tin cho thấy, số lượng giàn khoan của Mỹ tăng trong tuần qua và ổn định hoạt động trở lại sau ảnh hưởng của bão. Nguồn cung gia tăng khiến giá dầu hạ nhiệt.
Cụ thể, giá dầu thô Brent đóng cửa ở mức 71,61 USD/thùng, giảm 36 xu, tương đương 0,5%. Giá dầu thô WTI của Mỹ chốt phiên ở mức 68,65 USD/thùng, giảm 32 xu, tương đương 0,5%.
Giới đầu tư đã chọn bán tháo các hợp đồng dầu khi hoạt động sản xuất và lọc dầu của Bờ Vịnh tại Mỹ tăng lên.
Chuyên gia Bob Yawger nhận định rằng, “Thị trường sẽ ổn định vào tuần tới, các nhà đầu tư có thể tiếp tục hoạt động, giao dịch vào đầu tuần. Mọi thứ đều ổn – các nhà máy lọc dầu đang hoạt động ở mức 100%, giàn khoan dầu dần khởi động để khai thác xăng dầu đưa ra thị trường.”
Trong tuần, giá dầu tương lai đã kết thúc ở mức cao hơn sau khi tăng mạnh liên quan đến cơn bão vào đầu tuần, phá vỡ chuỗi giảm. Dầu thô Brent đã ghi nhận mức tăng khoảng 0,8% kể từ khi đóng cửa phiên giao dịch thứ Sáu tuần trước, trong khi dầu WTI ghi nhận mức tăng khoảng 1,4%.
Nga ước tính giá dầu xuất khẩu năm nay vượt mức giá trần của phương Tây, kéo nguồn thu từ bán dầu khí lên gần 260 tỷ USD. Nga cũng chuyển trọng tâm xuất khẩu sang Trung Quốc và Ấn Độ.
Bộ Kinh tế Nga vừa nâng dự báo thu từ xuất khẩu dầu khí năm nay lên 257,1 tỷ USD, tăng thêm 17,4 tỷ USD so với ước tính trước đó. Nguyên nhân là giá nhiên liệu có triển vọng tăng. Dầu mỏ và khí đốt hiện là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nước này.
Cụ thể, theo Bộ Kinh tế Nga, lượng dầu thô xuất khẩu của Nga sẽ đạt 239,9 triệu tấn, tương đương 4,8 triệu thùng/ngày. Con số này tăng so với 238,3 triệu tấn năm ngoái.
Bộ này cũng dự báo giá dầu xuất khẩu trung bình năm nay là 70 USD/thùng, tăng 5 USD so với ước tính hồi tháng 4. Con số này cao hơn mức giá 64,5 USD/thùng của năm ngoái và giá trần 60 USD/thùng mà phương Tây áp lên dầu Nga. Giá khí đốt tự nhiên cũng tăng với cả khách hàng châu Âu và Trung Quốc.
Các dự báo trên đi ngược với mục tiêu của phương Tây là giáng đòn lên kinh tế Nga sau chiến sự Nga – Ukraine. Nga cho biết lệnh trừng phạt của phương Tây lên các ngành kinh tế chủ chốt của họ chỉ giúp nước này tự chủ hơn.
Phát biểu tại một diễn đàn kinh tế ở Nga, Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh: “Nền kinh tế toàn cầu sẽ không thể tồn tại nếu không có dầu khí của Nga”.
Những bình luận này được đưa ra khi Nga tiếp tục chuyển hướng tập trung giao thương năng lượng sang Trung Quốc và Ấn Độ, giảm sự phụ thuộc vào thị trường châu Âu. Xuất khẩu hàng hóa và dầu thô sang các nước trên trong bối cảnh giá dầu cao cũng giúp Chính phủ Nga duy trì nguồn thu dồi dào.
Bộ Kinh tế Nga dự báo sản lượng khí đốt tăng hàng năm cho đến 2030. Tuy nhiên, sản lượng dầu và xuất khẩu năng lượng Nga lại có dấu hiệu hạ nhiệt. Nguyên nhân là Nga và các thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đang nỗ lực giảm sản xuất vài năm qua, nhằm kéo giá lên.
Kỳ vọng tích cực đối với hoạt động kinh doanh dầu khí của Nga cũng cho thấy phương Tây đang gặp khó khăn trong việc gây tác động đến nền kinh tế Nga thông qua các lệnh trừng phạt, bao gồm giới hạn giá dầu và các biện pháp hạn chế nhập khẩu.
Khả năng điều chỉnh chiến lược thương mại năng lượng của Nga đã dẫn đến doanh thu tăng đáng kể. Dự báo xuất khẩu được điều chỉnh lên gần 240 tỷ USD cho năm nay cho thấy mức tăng 13 tỷ USD so với năm ngoái. Ngoài ra, dự báo năm 2025 đã được nâng lên 236,5 tỷ USD, củng cố thêm khả năng phục hồi kinh tế của Nga.