Nhắc tới Forex, tiền ảo hay tiền điện tử, nhiều người nghĩ ngay đến cụm từ mang tính chất lừa đảo. Những hoạt động liên quan đến lĩnh vực này ngày càng tinh vi và không ít nạn nhân đã “sập bẫy”.

Nhiều người “sập bẫy”

Tại Việt Nam, hiện có khoảng 300 sàn giao dịch ngoại hối trái phép, thu hút nhiều người tham gia đầu tư và tự gọi là “chơi Forex”… Đây là một trong những hình thức đầu tư được rất nhiều người chú ý. Hiện nay, Việt Nam chỉ cho phép các ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được kinh doanh ngoại hối. Do đó, khuyến cáo mọi hình thức tổ chức kinh doanh, giao dịch sàn Forex sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật và người tham gia “chơi Forex” được xem là tiếp tay cho hoạt động phi pháp, đồng thời tiềm ẩn rủi ro về tài chính rất cao.

Đại diện Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao A05 – Bộ Công an cho biết, thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng có chiều hướng gia tăng. Thống kê hàng năm, toàn quốc xảy ra khoảng 2.000 vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chỉ tính từ đầu năm 2022 đến nay, Bộ Công an đã khởi tố gần 500 vụ án và hơn 1.000 bị can liên quan các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, bằng con số của cả năm 2020, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2021.

Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin và nhu cầu kiếm tiền nhanh của người dân, các đối tượng mời chào, lôi kéo bị hại tham gia đầu tư vào các sàn giao dịch ảo, sàn forex với cam kết sẽ hưởng lợi nhuận cao khi tham gia hệ thống. Nhằm đánh bóng tên sàn, các đối tượng thường quảng bá đăng tin trên mạng xã hội, tổ chức các buổi hội thảo, gặp mặt offline. Sau đó, các đối tượng tự nhận là chuyên gia đầu tư, người truyền cảm hứng, người dẫn đường để lừa đảo, kêu gọi đầu tư vào hệ thống do chúng thiết lập. Khi huy động được lượng tiền đủ lớn, các đối tượng sẽ can thiệp vào các giao dịch, điều chỉnh thắng thua hoặc báo lỗi, ngừng hoạt động (sập sàn) để chiếm đoạt tiền của người tham gia.

Thấy gì từ những sàn Forex cấp phép ở nước ngoài nhưng do người Việt Nam quản lý

Trao đổi với PV, anh L.H.V.K (trú tại TP. Hồ Chí Minh) cho biết: Khoảng đầu tháng 4/2023, anh nhận được cuộc gọi từ số thuê bao 0935856xxx gọi đến và mời chào anh tham gia chứng khoán quốc tế. Tại đây, người này giới thiệu mình tên Soda và hiện đang làm quản lý của sàn forex. Sau một thời gian trò chuyện qua ứng dụng Telegram, anh V.K đã đồng ý cung cấp thông tin cá nhân của mình cho Soda để mở tài khoản.

Qua đó, người có tên là Soda đã mở tài khoản ID 8810436 tại sàn này. Tại đây, anh V.K đã nạp số tiền là 5.000 USD qua số tài khoản 001800001589xxx, ngân hàng VPBank.

Quá trình giao dịch tại sàn này, anh K. nghe hướng dẫn và thực hiện các lệnh buy/sell (mua, bán) từ Soda. Theo đó, tài khoản của anh V.K giao dịch có lời lên đến gần 30.000 USD và anh đề nghị rút tiền. Lúc này, người tự xưng là quản lý Soda đã viện ra đủ lý do và không cho rút tiền. Đến nay, anh K. chưa rút được tiền từ sàn.

Thực tế cho thấy, tất cả khách hàng tham gia đầu tư tại các sàn Forex đều thua. Những câu chuyện sập bẫy sàn “rác” không phải là mới, nhưng vẫn còn rất nhiều nạn nhân mới. Nhiều Công ty núp bóng sàn giao dịch nước ngoài, lôi kéo cá nhân đầu tư với lãi suất cao để lừa đảo. Những lời mời chào đầy “mật ngọt” khiến cho nhà đầu tư đổ tiền vào các sàn “ rác”, để sau một khoảng thời gian thì biến mất, lúc đó nhà đầu tư mới biết họ bị lừa. Trong khi khung pháp lý của Việt Nam chưa cho phép các hoạt động liên quan đến tiền ảo, tiền điện tử.

Đại diện sàn nói gì?

Để làm rõ Soda là ai, thông qua các mối quan hệ PV đã được một người quen giới thiệu làm IB (viết tắt của từ Introducing Broker) cho sàn. Địa điểm làm việc tại tòa nhà Hi Friendz số 43 Nguyễn Sơn Hà, P.5, Q.3, TP. Hồ Chí Minh.

Tại đây, PV được bộ phận gọi là Support (hỗ trợ) tạo một đường link riêng cho từng nhân viên IB và group trên nền tảng Zalo/Telegram/Facebook. Sau đó, PV chỉ có nhiệm vụ là viết bài cho hay, gắn link được cấp và đưa lên các nhóm đã tạo. Khi khách hàng tham gia và đăng ký link của IB nào, thì nhân viên IB đó sẽ được tính hoa hồng trên khối lượng số Lot mà khách tham gia.

Sàn này được quảng cáo là đến từ Anh Quốc. Thế nhưng, nhiều nhân viên tại đây cho biết sàn này là của Trung Quốc.

Qua tìm hiểu, PV được biết, quản lý đội ngũ IB này chỉ là một cô gái 9x có tên là “Soda Nhỏ”. Cũng chính người này mà anh L.H.V.K đã phản ánh với phóng viên. Được biết, người này có tên thật là N.T.D. và hiện đang sử dụng số điện thoại 0935856xxx và một người khác có tên là “Anna”.

Để hiểu rõ hơn quy trình quản lý của văn phòng sàn tại Việt Nam như thế nào? PV được một người làm IB có “thâm niên” tại đây cho biết: “Anna” tuy nhỏ tuổi hơn N.T.D. nhưng là “sếp sòng” khu vực phía Nam (TP. Hồ Chí Minh). Ngoài ra, còn có N.T.K.A là người quản lý sàn tại Việt Nam. K.A. cũng thuộc thế hệ 9x, quê gốc tại Thanh Hóa và hiện nay đang sinh sống tại Hà Nội.

Để rộng đường dư luận, PV đã liên hệ với N.T.D. Trao đổi với PV, bà N.T.D. cho biết, đã nắm được thông tin anh K. phản ánh và hiện đang cho xử lý.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipisicing, elit. Eveniet at repudiandae dicta praesentium tempora aut, voluptatum rerum nemo possimus tenetur!

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Bình luậnx