EBA gần đây đã tiến hành tham vấn về bộ quy tắc đề xuất cho việc quản lý rủi ro Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) trong lĩnh vực ngân hàng.
Theo ESG Today, bộ quy tắc này là một bước quan trọng nhằm giải quyết các rủi ro liên quan đến quá trình chuyển đổi của Liên minh châu Âu sang nền kinh tế trung hòa về khí hậu. Bộ quy tắc đề xuất yêu cầu các ngân hàng phải tiến hành đánh giá định kỳ tính trọng yếu của rủi ro ESG và lồng ghép những cân nhắc này vào khung quản lý rủi ro định kỳ của họ.
Việc lồng ghép này áp dụng đối với nhiều loại rủi ro khác nhau như rủi ro tín dụng, thị trường, hoạt động và thanh khoản, cùng nhiều rủi ro khác theo các khung thời gian khác nhau.
Ngoài ra, bộ quy tắc này yêu cầu các ngân hàng phải xây dựng kế hoạch chuyển đổi theo Khung quy định về Yêu cầu vốn (CRD). Các kế hoạch này cần giải quyết các rủi ro phát sinh từ quá trình chuyển đổi khí hậu và rủi ro tài chính xuất phát từ các yếu tố ESG và các mục tiêu quy định.
Cách tiếp cận của EBA lần này khác với các quy định tập trung vào tính bền vững khác như Chỉ thị Báo cáo phát triển bBền vững doanh nghiệp (CSRD) và Chỉ thị thẩm định tính bền vững của doanh nghiệp (CSDDD) được đề xuất. Bộ quy tắc mới ưu tiên việc lồng ghép các rủi ro ESG vào chiến lược và chính sách thay vì điều chỉnh cho phù hợp với các mục tiêu về tính bền vững hoặc lộ trình chuyển đổi cụ thể nào.
Bộ quy tắc đề xuất của EBA là một bước tiến đáng kể trong lĩnh vực tài chính bền vững. Được triển khai theo lộ trình tài chính bền vững vào cuối năm 2022 của EBA, bộ quy tắc này nhằm hỗ trợ và giám sát việc lồng ghép các cân nhắc rủi ro ESG vào khung ngân hàng.
EBA nhấn mạnh rằng bất chấp những nỗ lực trước đó, vẫn còn nhiều thiếu sót trong việc lồng ghép rủi ro ESG vào chiến lược kinh doanh và khung quản lý rủi ro. Những thiếu sót này có thể đe dọa đến sự ổn định và an toàn của các ngân hàng khi các rủi ro ESG ngày càng gia tăng.
Ngoài ra, mặc dù bộ quy tắc không bắt buộc các ngân hàng phải nói không với các lĩnh vực tiêu thụ nhiều carbon, nhưng khuyến khích các ngân hàng chủ động cân nhắc những thay đổi về công nghệ, hoạt động kinh doanh và hành vi theo quá trình chuyển đổi bền vững. Việc cân nhắc này sẽ tập trung vào các rủi ro, cơ hội liên quan, lập kế hoạch chuyển đổi và tham gia.
Cơ quan Ngân hàng Châu Âu cho biết: “Một số thiếu sót đã được phát hiện trong quá trình lồng ghép rủi ro ESG vào chiến lược kinh doanh và khung quản lý rủi ro”. Những thiếu sót này có thể “đe dọa sự an toàn và lành mạnh của các ngân hàng khi EU chuyển đổi sang một nền kinh tế bền vững hơn và các rủi ro ESG ngày càng hiện hữu và trầm trọng.”