Theo cuộc khảo sát của Reuters với hơn 80% các chuyên gia kinh tế, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ chấm dứt chính sách lãi suất âm kéo dài 8 năm vào tháng 4, đánh dấu bước ngoặt từ một ngân hàng trung ương đi ngược xu hướng toàn cầu.
Hơn 76% các chuyên gia được khảo sát đồng dự đoán BoJ sẽ loại bỏ chính sách kiểm soát đường cong lợi suất (YCC) tại cuộc họp sắp tới, đồng thời các điều kiện tiền tệ nới lỏng cũng sẽ kết thúc sau đó, chỉ vài tháng trước khi nhiều ngân hàng trung ương lớn dự kiến bắt đầu cắt giảm lãi suất.
Trước đó, các nguồn tin đã tiết lộ với Reuters rằng BoJ đang trên đà chấm dứt lãi suất âm trong những tháng tới bất chấp nền kinh tế Nhật Bản đang rơi vào suy thoái.
Trong cuộc khảo sát của Reuters diễn ra từ ngày 15-20 tháng 2, 83% các chuyên gia kinh tế được khảo sát cho rằng BoJ sẽ loại bỏ lãi suất tiền gửi ngắn hạn -0,1%, vốn được áp dụng từ tháng 1/2016.
Yoshimasa Maruyama, chuyên gia kinh tế thị trường của SMBC Nikko Securities, chia sẻ: “BoJ có thể đưa ra quyết định tại cuộc họp vào tháng 4 dựa trên kết quả sơ bộ của các cuộc đàm phán tiền lương hàng năm của các công ty lớn và báo cáo từ phiên điều trần của thống đốc BoJ về xu hướng tiền lương ở các công ty vừa và nhỏ”.
Trong khi đó, Daiwa Securities và T&D Asset Management dự báo BoJ sẽ đưa ra quyết định trong tháng Ba. Một người khác dự báo thời điểm này sẽ là tháng 6 và hai người khác chọn năm 2025 hoặc muộn hơn.
Mặt khác, Mari Iwashita, chuyên gia kinh tế thị trường tại Daiwa Securities, lại cho rằng: “BoJ càng chờ đợi lâu thì khả năng bỏ lỡ thời điểm thích hợp càng cao”.
Có đến 91% các chuyên gia kinh tế kỳ vọng chính sách lãi suất âm sẽ bị dỡ bỏ vào cuối năm nay, tăng từ mức 82% trong cuộc thăm dò hồi tháng 1.
Tuy nhiên, Thống đốc BoJ Kazuo Ueda đã nhiều lần nhấn mạnh rằng các điều kiện kinh tế của Nhật Bản có thể vẫn phù hợp ngay cả sau khi ngân hàng trung ương loại bỏ lãi suất âm.