Kết thúc phiên giao dịch ngày 26/7, giá dầu giảm khoảng 1,5% do nhu cầu của Trung Quốc giảm, hy vọng về một thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza có thể làm giảm căng thẳng ở Trung Đông và những lo ngại về nguồn cung.
Giá dầu Brent giảm 1,24 USD, tương đương 1,5%, xuống còn 81,13 USD/thùng. Giá dầu WTI giảm 1,12 USD, tương đương 1,4%, xuống còn 77,16 USD/thùng. Tính cả tuần, giá dầu Brent giảm hơn 1% trong khi giá dầu WTI giảm hơn 3%.
Nhận xét về sự biến động của giá dầu, George Khoury, Giám đốc giáo dục và nghiên cứu toàn cầu tại CFI cho biết ban đầu, dữ liệu tăng trưởng GDP của Mỹ tốt hơn dự kiến đã hỗ trợ thị trường dầu thô. Tuy nhiên, những mức tăng này đã bị lu mờ bởi lo ngại nhu cầu dầu của Trung Quốc đang giảm.
Dữ liệu công bố tuần trước cho thấy tổng lượng dầu nhiên liệu nhập khẩu của Trung Quốc giảm 11% trong nửa đầu năm 2024 đã làm dấy lên lo ngại về triển vọng nhu cầu chung ở quốc gia Đông Á này, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất hành tinh.
Bob Yawger, Giám đốc phụ trách hợp đồng năng lượng tương lai tại Mizuho ở New York, cho biết: “Tình hình nhu cầu của Trung Quốc đang giảm mạnh và giá dầu thô cũng giảm theo”. Theo vị giám đốc này, nền kinh tế của Trung Quốc đang có nguy cơ bước vào chu kỳ giảm phát, khi giá cả sẽ giảm do nhu cầu giảm.
Trong khi đó, nhu cầu từ quốc gia tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới cũng dự kiến sẽ giảm bớt khi các nhà máy lọc dầu của Mỹ chuẩn bị cắt giảm sản lượng khi mùa lái xe mùa hè sẽ kết thúc vào đầu tháng 9.
Nhà máy lọc dầu lớn thứ hai của Mỹ, Valero Energy, cho biết 14 nhà máy lọc dầu của họ sẽ hoạt động ở mức 92% tổng công suất trong quý III, giảm 2% so với quý II. Ở Trung Đông, hy vọng về lệnh ngừng bắn ở Gaza ngày một lớn dần.
Lệnh ngừng bắn là chủ đề đàm phán trong nhiều tháng, nhưng các quan chức Mỹ tin rằng các bên đang tiến gần hơn bao giờ hết đến một thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 6 tuần để đổi lấy việc Hamas thả các con tin là phụ nữ, người già, người bệnh và người bị thương.
Liên quan đến số lượng giàn khoan dầu của Mỹ, một chỉ báo sớm về sản lượng trong tương lai, Baker Hughes cho biết số giàn khoan đã tăng thêm 5 lên 482 giàn trong tuần này và thêm 3 giàn trong tháng 7, nâng số lượng giàn khoan lên mức cao nhất trong tháng kể từ tháng 3.
Slovakia đã đưa ra giải pháp kỹ thuật cho Ukraina để khôi phục lại nguồn cung dầu của Nga qua đường ống dẫn dầu ở nước này.
Slovakia và Hungary – các thành viên EU ở Đông Âu – đã bị ảnh hưởng khi dòng dầu của Nga từ tập đoàn Lukoil đi qua đường ống dẫn đầu Ukraina bị chặn lại do Kiev áp đặt lệnh trừng phạt với công ty này. Việc Ukraina khóa van đường ống dẫn dầu với dầu từ Lukoil gây sức ép cho các nhà máy lọc dầu ở Hungary và Slovakia do tập đoàn dầu khí MOL của Hungary sở hữu.
Theo Reuters, tranh chấp cho thấy một số nước EU vẫn phụ thuộc vào năng lượng của Nga hơn 2 năm sau khi khối quyết định ngừng nhập khẩu dầu của Nga sau xung đột ở Ukraina.
Chính quyền ở Bratislava và Budapest đã phản đối việc Ukraina dừng nguồn cung dầu từ Lukoil và đang tìm kiếm sự hòa giải của EU trong tranh chấp này.
Văn phòng chính phủ Slovakia cho biết, Thủ tướng Robert Fico đã trao đổi với người đồng cấp Ukraina Denys Shmyhal vào 26.7. “Thủ tướng Fico đã đề xuất với các đối tác Ukraina một giải pháp kỹ thuật mà một số quốc gia, trong đó có Slovakia, sẽ phải tham gia” – văn phòng Thủ tướng Slovakia thông tin nhưng không nêu chi tiết về giải pháp được đề xuất.
Văn phòng chính phủ Slovakia lưu ý, nguồn cung thay thế đắt hơn và có thể không phù hợp về mặt công nghệ đối với nhà máy lọc dầu Slovnaft của Slovakia.
Các cuộc đàm phán chuyên sâu sẽ diễn ra ở cấp cao nhất trong những giờ và ngày tới, theo văn phòng của Thủ tướng Robert Fico.