Chủ tịch Cơ quan Chứng khoán và Thị trường Châu Âu (ESMA) Verena Ross cho biết cần phải tăng cường hơn nữa các nỗ lực giám sát và hạn chế các hoạt động cá cược sử dụng tiền đi vay.
Người đứng đầu cơ quan quản lý thị trường chứng khoán Châu Âu đã cảnh báo rằng các mối đe dọa đối với thị trường tài chính từ các giao dịch đòn bẩy vẫn chưa được giảm thiểu trong năm ngoái, bất chấp những nỗ lực kiềm chế của các cơ quan quản lý.
“Quan điểm của tôi là rủi ro đòn bẩy và thanh khoản trong các quỹ vẫn cao như trong năm ngoái,” Verena Ross, chủ tịch Cơ quan Giám sát Thị trường và Chứng khoán Châu Âu (Esma), nói với FT về triển vọng của bà cho năm 2024. “Chúng tôi cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ lĩnh vực này và có biện pháp ứng phó khi chúng tôi thấy có rủi ro.”
Các giao dịch sử dụng tiền đi vay để tăng lợi nhuận cho nhà đầu tư đã chịu sự giám sát ngày càng tăng từ các cơ quan quản lý toàn cầu trong vài năm qua, sau khi “cuộc đổ xô đến ngân hàng để rút tiền” ở giai đoạn đầu của đại dịch đã phơi bày những nguy cơ cú sốc trong các lĩnh vực tài chính chịu sự giám sát ít nghiêm ngặt hơn so với các ngân hàng truyền thống.
Kể từ đó đã xảy ra một loạt cú sốc khác, bao gồm cả sự biến động giá mạnh của niken trên Sàn giao dịch kim loại Luân Đôn trong năm ngoái và sự sụp đổ của thị trường trái phiếu kho bạc (gilt) tại Vương Quốc Anh, khi một làn sóng bán tháo bằng các chiến lược quỹ hưu trí thiếu minh bạch buộc Ngân hàng Anh phải can thiệp. Các nhà chức trách đã tập trung vào các vụ cá cược sử dụng các công cụ phái sinh như hợp đồng tương lai và hợp đồng hoán đổi để tăng lợi nhuận, cũng như sự chênh lệch về thanh khoản có thể dẫn đến bán tháo và các khoản đặt cược khổng lồ của các quỹ phòng hộ Hoa Kỳ vào thị trường trái phiếu chính phủ.
Ross cho biết Esma, cơ quan giám sát và điều tiết thị trường tài chính châu Âu, đang chuẩn bị công bố một báo cáo đầu tiên về đòn bẩy để những người không có chuyên môn cũng có thể xem dữ liệu về mức độ vay của các loại quỹ đầu tư khác nhau, bao gồm phân tích chuyên sâu về các quỹ bất động sản tại các khu vực tài phán lớn nhất của EU.
Mặc dù dữ liệu chỉ có từ cuối năm 2022, Ross cho biết Esma cũng đang thực hiện “giám sát liên tục” với các cơ quan chức năng của các quốc gia về đòn bẩy trên thị trường.
“Với việc dữ liệu cùng khả năng phân tích các quỹ được cải thiện . . . chúng tôi có thể có một bức tranh rõ hơn về những rủi ro để từ đó có các công cụ phù hợp để xử lý rủi ro nếu thị trường diễn biến theo một chiều hướng cụ thể,” Ross nói.
Bà cho biết thêm: “Đòn bẩy không phải là rủi ro duy nhất mà chúng tôi thực sự cần theo dõi”. “Chúng tôi cũng đang xem xét các chênh lệch về thanh khoản, về định giá . . . Và những khía cạnh khác nhau này cũng cần biện pháp cụ thể.”
Những nhận xét của bà phản ánh các mối quan ngại gần đây của các cơ quan quản lý về các quỹ nắm giữ những tài sản khó bán như bất động sản nhưng lại cho phép các nhà đầu tư được rút ngay tiền của họ.
Ross cho biết: “Việc các quỹ cho phép mua lại hàng ngày khi nắm giữ tài sản kém thanh khoản là một vấn đề.