Giá vàng tại thị trường châu Á giảm nhẹ vào cuối phiên 4/4, song vẫn có lúc chạm mức cao kỷ lục phiên thứ năm liên tiếp, giữa bối cảnh các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed nhắc lại kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất vào năm 2024, trong khi các nhà giao dịch đang chờ đợi dữ liệu việc làm quan trọng của Mỹ trong tháng 3/2024.
Cụ thể, giá vàng giao ngay phiên này giảm 0,2%, xuống mức 2.293,54 USD/ounce, sau khi chạm mức cao nhất mọi thời đại là 2.304,09 USD/ounce trước đó. Giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ giảm 0,1%, xuống mức 2.312,40 USD/ounce.
Chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) giảm 0,04%, xuống mốc 104,21. Đồng USD giảm trong phiên giao dịch vừa qua, có thời điểm chạm mức thấp nhất trong 2 tuần là 103,94, khi các dữ liệu kinh tế được công bố đều góp phần thúc đẩy kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất nhanh chóng ở Mỹ.
Ông Michael Langford, Giám đốc đầu tư của Scorpion Minerals, cho biết: “Nhân tố thúc đẩy giá vàng là do các đồng tiền trên toàn cầu mất giá so với đồng USD vì nhiều lý do. Nếu lãi suất không giảm và Fed duy trì lãi suất hiện tại đến cuối năm, thì việc giá vàng điều chỉnh ít nhất 10% là hợp lý”.
Theo chiến lược gia hàng hóa Bart Melek của TD Securities, kỳ vọng của thị trường tăng lên sau bài phát biểu gần đây của Chủ tịch Fed. Theo đó, ông Jerome Powell đã đồng ý rằng lãi suất chính sách thấp hơn sẽ phù hợp “vào một thời điểm nào đó trong năm nay”. Ông cùng các quan chức khác của Fed cũng nhấn mạnh rằng, cần thiết phải có thêm các dữ liệu kinh tế trước khi đưa ra quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ, động thái mà thị trường tài chính kỳ vọng sẽ diễn ra vào tháng 6.
Đồng quan điểm, ông Tai Wong, nhà giao dịch kim loại độc lập tại New York, nhận định rằng vàng lập kỷ lục nhờ khối lượng giao dịch tăng cao sau khi ông Powell nhấn mạnh rằng những số liệu gần đây sẽ không làm thay đổi tình hình kinh tế tổng thể.
Còn theo chuyên gia phân tích thị trường Carlo Alberto De Casa của Kinesis Money, lực cầu mạnh từ thị trường châu Á, đặc biệt là từ Trung Quốc và nhu cầu vững chắc từ các ngân hàng trung ương, rủi ro địa chính trị và kỳ vọng xung quanh việc cắt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương là các yếu tố thúc đẩy đà tăng của vàng trong thời gian qua.
Từ đầu tháng 4 đến nay giá vàng liên tục tăng, phá vỡ những đỉnh cũ đã thiết lập trước đó. Kim loại quý này tăng 11% từ đầu năm tới nay.
Giám đốc điều hành Julia Khandoshko của Công ty môi giới Mind Money cho rằng, mặc dù kỳ vọng nới lỏng chính sách của Fed đã thúc đẩy giá vàng tăng vọt gần đây, nhưng có những yếu tố quan trọng khác, bao gồm cả khoản nợ khổng lồ của chính phủ, đang hỗ trợ vững chắc cho kim loại quý này, và việc vàng chạm mốc 3.000 USD/ounce chỉ là vấn đề thời gian.
Trong một thông tin có liên quan, giá dầu kéo dài đà tăng sau khi có thông tin cho rằng các đại sứ quán Israel trên khắp thế giới đã được đặt trong tình trạng báo động cao do mối đe dọa ngày càng tăng về một cuộc tấn công của Iran nhằm vào các nhà ngoại giao Israel. Cụ thể, giá dầu Brent giao tháng 6 tăng 1,3 USD, tương đương 1,5%, lên mức 90,65 USD/thùng. Giá dầu WTI của Mỹ giao tháng 5 tăng 1,16 USD, tương đương 1,4%, lên mức 86,59 USD/thùng.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Kazuo Ueda cho biết, ngân hàng trung ương có thể “phản ứng bằng chính sách tiền tệ” nếu các động thái tỷ giá hối đoái ảnh hưởng đến lạm phát và tiền lương của đất nước, tờ Asahi đưa tin vào hôm 4-4.
Trọng tâm chính của thị trường trong tuần này sẽ là bản báo cáo việc làm hằng tháng của Mỹ, sẽ được công bố vào ngày 5-4. Trong một cuộc thăm dò của Reuters, các nhà kinh tế dự báo sẽ có thêm 200.000 việc làm trong tháng 3.