Đây là một tuần thú vị đối với thị trường vàng và bạc. Sau hai tháng tăng ấn tượng, kim loại quý bắt đầu tuần này dưới áp lực bán tháo mạnh mẽ và chỉ trong hai ngày, giá đã giảm hơn 4%, mất 100 USD.

Giới đầu tư vàng cần quan sát thị trường trong dài hạn

Những dòng tít tiêu cực ‘ồ ạt’ tung ra, nói rằng vàng đã chứng kiến ​​sự sụt giảm tồi tệ nhất trong gần hai năm vào thứ Hai. Nhưng khi phân tích sâu hơn, phải đọc đến cuối bài viết mới thấy rằng, ngay cả khi vàng giảm 4%, giá vẫn tăng hơn 17% so với mức cao nhất vào giữa tháng 2.

Mặc dù, thoạt nhìn, hành động giá có vẻ hơi cực đoan và mang lại những thông tin đáng khích lệ, nhưng nhiều nhà phân tích đã lưu ý rằng đây là một sự điều chỉnh lành mạnh trong một xu hướng tăng giá. Không có gì đáng ngạc nhiên khi một số nhà đầu tư đã quyết định chốt lời khi thời điểm chu kỳ nới lỏng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed được đẩy sang quý cuối cùng của năm.

Mọi người sẽ nóng lòng chờ đợi hướng dẫn về chính sách tiền tệ của Fed vào tuần tới. Tuy nhiên, rõ ràng là Fed hiện đang trì hoãn hoạt động trong suốt mùa hè và có thể sẽ không có bất kỳ động thái nào cho đến sau cuộc bầu cử Mỹ trong năm 2024.

Theo công cụ Fed Watch của CME, thị trường nhận thấy 11% cơ hội cắt giảm lãi suất vào tháng 6 và 30% cơ hội cắt giảm lãi suất vào tháng 7. Điều này tạo ra những trở ngại lớn cho vàng vì chính sách tiền tệ hạn chế của Cục Dự trữ Liên bang sẽ hỗ trợ lợi suất trái phiếu cao hơn và đồng đô la Mỹ mạnh hơn.

Nhưng một lần nữa, chúng ta hãy quan sát tổng thể thị trường trong dài hạn. Bởi, ngay cả khi Fed giữ nguyên lãi suất, vàng vẫn giữ được mức hỗ trợ vững chắc trong vùng giá kỷ lục.

Thực tế là chính sách tiền tệ của Fed đã trở thành yếu tố ít tác động đến vàng khi kim loại quý này tách khỏi mối tương quan tiêu cực trong lịch sử với lãi suất trái phiếu và đồng đô la Mỹ.

Động lực lớn nhất ảnh hưởng đến vàng vẫn là mối đe dọa lạm phát toàn cầu đối với tài sản và sức mua của các loại đồng tiền pháp định. Khoản nợ của Mỹ đang có xu hướng tăng cao một cách không thể ổn định khi chính phủ hiện đang chi hơn 1 nghìn tỷ USD để trả lãi.

Tuy nhiên, không chỉ riêng nước Mỹ. Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF gần đây lưu ý rằng Trung Quốc cũng đang đi trên con đường không bền vững. IMF cũng chỉ trích các quốc gia như Anh và Italy vì chi tiêu ngoài tầm kiểm soát.

Tỷ phú Ray Dalio cho rằng, ông nắm giữ một số vàng như một hàng rào chống lại cuộc khủng hoảng nợ tiềm ẩn và lạm phát cao hơn. Ông mô tả vàng là một trong số ít ví dụ về “đồng tiền giá trị” trong hệ thống tài chính.

Ông nói: “Nó giống như tiền mặt, ngoại trừ việc không giống như tiền mặt và trái phiếu, vốn bị mất giá do rủi ro vỡ nợ hoặc lạm phát, vàng được hỗ trợ bởi rủi ro vỡ nợ và lạm phát”.

Mặc dù hiện là người có tiếng nói nhất nhưng không chỉ riêng Dalio đánh giá như vậy. Nhiều nhà phân tích đã lưu ý rằng chính sách tiền tệ của Fed chỉ là một yếu tố khiến lợi suất trái phiếu Mỹ tăng. Một yếu tố khác là nhiều nhà đầu tư kỳ vọng lợi nhuận cao hơn để chấp nhận rủi ro nhiều hơn.

Trong một cuộc phỏng vấn với Kitco News, Chantelle Schieven, Trưởng phòng Nghiên cứu tại Capitalight Research lưu ý, nợ ngày càng tăng của chính phủ Mỹ là một lý do khiến các ngân hàng trung ương tăng mua vàng dự trữ chưa từng có trong hai năm qua.

Cô nói: “Không ai muốn gánh nợ vào lúc này. “Khi khoản nợ tăng lên, không có gì ngạc nhiên khi các ngân hàng trung ương muốn sở hữu ít đô la Mỹ hơn và muốn đa dạng hóa lượng nắm giữ của họ”.

Mặc dù vàng có thể tiếp tục điều chỉnh nhưng nó vẫn có nhiều tiềm năng trong năm 2024 và trong những năm tới.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Bình luậnx