Giá vàng thế giới đi xuống trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 6/9, rời khỏi mức cao gần kỷ lục đạt được vào đầu phiên, sau khi dữ liệu việc làm trái chiều của Mỹ làm dấy lên nghi ngại về quy mô cắt giảm lãi suất từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vào cuộc họp cuối tháng này.
Cụ thể, giá vàng giao ngay giảm 0,8% xuống 2.495,86 USD/ounce, đạt mức cao nhất kể từ ngày 20 tháng 8, khi vàng đạt mức đỉnh kỷ lục gần nhất.
Giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,7% xuống còn 2.524,60 USD.
Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho thấy nền kinh tế nước này đã tạo ra thêm 142.000 việc làm trong tháng Tám vừa qua, thấp hơn so với dự báo tăng 160.000 việc làm từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của hãng tin Reuters (Vương quốc Anh). Số liệu việc làm tạo mới của tháng Bảy cũng được điều chỉnh xuống còn 89.000 việc làm.
Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức 4,2% như dự đoán, giảm từ mức 4,3% của tháng trước đó.
Các nhà giao dịch vàng đang bàn luận về việc Fed sẽ cắt giảm 50 điểm cơ bản hay 25 điểm cơ bản vào cuộc họp ngày 18/9 và kim loại quý này đang phản ứng với điều đó, Aakash Doshi, giám đốc hàng hóa tại Citi Research khu vực Bắc Mỹ cho biết.
Các nhà giao dịch hiện thấy khả năng 73% là ngân hàng trung ương Mỹ sẽ cắt giảm 25 điểm cơ bản trong tháng này và 27% là cắt giảm 50 điểm, theo công cụ FedWatch của sàn giao dịch CME.
Chủ tịch chi nhánh Fed tại New York John Williams cho biết việc hạ lãi suất sớm sẽ giúp giữ thị trường việc làm ở trạng thái cân bằng.
Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed Christopher Waller cũng cho biết “đã đến lúc” ngân hàng trung ương Mỹ bắt đầu một loạt các đợt cắt giảm lãi suất, đồng thời ông cũng lạc quan về quy mô và tốc độ của các đợt cắt giảm đó.
Lãi suất thấp hơn làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ kim loại không sinh lời như vàng.
Nhà phân tích Suki Cooper của ngân hàng Standard Chartered cho biết: “Chúng tôi nghĩ rằng Fed có thể sẽ cắt giảm lãi suất mạnh hơn và đó là lúc giá vàng tăng giá, có thể lên tới mức 2.700 USD/ounce”
Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 3,1% xuống còn 27,92 USD.
Bạch kim giảm 0,4% xuống còn 920,55 USD trong khi palladium giảm 3,1% xuống còn 913 USD.
Quỹ ETF vàng ghi nhận dòng tiền chảy vào trong tháng thứ 4 liên tiếp
Vàng ngày càng “len lỏi” vào danh mục đầu tư khi dữ liệu dòng tiền của quỹ ETF vàng mới nhất cho thấy lượng tiền đổ vào các quỹ này đã ghi nhận tháng thứ tư liên tiếp. Đây là một điều đáng mừng sau 11 tháng liên tiếp dòng tiền chảy ra.
Theo báo cáo từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), tổng cộng 2,1 tỷ USD đã chảy vào các ETF vàng được hỗ trợ vật chất trên toàn cầu vào tháng 8, trong đó, tất cả các khu vực đều chứng kiến dòng tiền đổ vào tăng lên.
Báo cáo cho biết “đóng góp phần lớn trong số này là các quỹ phương Tây”. “Giá vàng tăng 3,6%, kết hợp với dòng tiền chảy vào tiếp theo, đã nâng tổng tài sản được quản lý (AUM) toàn cầu lên 4,5% lên mức đỉnh vào cuối tháng là 257 tỷ USD. Lượng nắm giữ chung tiếp tục phục hồi, tăng 29 tấn lên 3.182 tấn vào cuối tháng”.
Sau chuỗi chảy vào, mức lỗ tính đến nay của các ETF vàng toàn cầu đã thu hẹp xuống còn 1 tỷ USD.”
Bắc Mỹ ghi nhận tháng thứ 2 có dòng tiền chảy vào tích cực, tăng thêm 1,4 tỷ USD vào tháng 8, trong khi các quỹ châu Âu thu hút được 362 triệu USD và kéo dài chuỗi dòng tiền chảy vào lên 4 tháng. Các quỹ châu Á tiếp tục chứng kiến nhu cầu lành mạnh, kéo dài chuỗi dòng vốn chảy vào lên 18 tháng, mặc dù chậm hơn. Trong tháng 8, có khoảng 32 triệu USD chảy vào các quỹ, đây là số tiền chảy vào ít nhất kể từ tháng 5/2023.
“Các quỹ ở các khu vực khác ghi nhận dòng vốn chảy vào tháng thứ 3 liên tiếp vào tháng 8, tổng cộng là 264 triệu USD, mức lớn nhất từ trước đến nay”, báo cáo cho biết. “Nam Phi ghi nhận dòng vốn chảy vào hàng tháng mạnh nhất trong lịch sử, nhờ lợi suất giảm mạnh trong bối cảnh lạm phát thấp hơn dự kiến, điều này đã thúc đẩy kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất trong nước vào tháng tới. Trong khi đó, Úc hiện đã ghi nhận ba tháng liên tiếp dòng vốn chảy vào”.
Về khối lượng giao dịch vàng toàn cầu, WGC ghi nhận mức giảm 3,2% theo tháng, xuống còn 241 tỷ USD mỗi ngày.