Trong phiên giao dịch ngày 6/4, giá dầu đồng loạt đi lên trong bối cảnh OPEC và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, đã quyết định không thay đổi chính sách sản lượng giữa lúc giá dầu thô ghi nhận mức cao nhất trong 5 tháng qua.
Sáng 6/4, theo giờ Việt Nam, giá dầu WTI ở mốc 86,73 USD/thùng, tăng 0,37% tương đương tăng 0,32 USD/thùng. Tương tự, giá dầu Brent ở mốc 90,91 USD/thùng, tăng 0,29% tương đương tăng 0,26 USD/thùng.
Tại cuộc họp lần thứ 53 được tổ chức theo hình thức trực tuyến ngày 3/4, Ủy ban Giám sát Chung cấp Bộ trưởng (JMMC) của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, đã quyết định không thay đổi chính sách sản lượng giữa lúc giá dầu thô ghi nhận mức cao nhất trong 5 tháng qua.
Tại cuộc họp, OPEC+ đã xem xét các dữ liệu sản lượng dầu thô trong tháng 1 và tháng 2/2024, tình hình thị trường cũng như việc thực hiện cắt giảm sản lượng của các thành viên. Một loạt yếu tố gồm nguồn cung thắt chặt hơn, các hoạt động quân sự nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga và những biến biến địa chính trị ở Trung Đông đã đẩy giá dầu thô đi lên trong thời gian qua. Trong phiên giao dịch ngày 3/4, giá dầu thô Brent đã vọt lên hơn 89 USD/thùng, mức cao nhất kể từ cuối tháng 10/2023.
Hồi tháng 3/2024, các thành viên OPEC+, dẫn đầu là Saudi Arabia và Nga, đã nhất trí gia hạn mức cắt giảm sản lượng tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày cho đến cuối tháng 6 năm nay để hỗ trợ thị trường. Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak ngày 29/3 thông báo nước này đã quyết định chú trọng việc cắt giảm sản lượng dầu thay vì xuất khẩu trong quý II/2024 nhằm chia sẻ công bằng các mức cắt giảm sản lượng với các thành viên khác trong OPEC+.
Trong một tuyên bố sau khi kết thúc cuộc họp ngày 3/4, OPEC+ đánh giá cao quyết định của Nga về chính sách sản lượng của mình. Tuyên bố của OPEC+ cũng nêu rõ: “Các nước tham gia cắt giảm tự nguyện có sản lượng dư thừa trong quý I/2024 sẽ gửi kế hoạch bù đắp chi tiết của họ cho Ban Thư ký OPEC trước ngày 30/4”. Tháng trước, Iraq cho biết sẽ cắt giảm xuất khẩu để bù đắp cho mức sản lượng vượt mục tiêu của OPEC. Theo đó, nước này cam kết giảm xuất khẩu 130.000 thùng/ngày từ tháng 2/2024.
Tuyên bố cho hay JMMC sẽ tiếp tục giám sát việc tuân thủ các điều chỉnh sản lượng được quyết định trong cuộc họp ngày 4/6/2023 và các điều chỉnh sản lượng tự nguyện bổ sung được một số nước trong và ngoài OPEC công bố hồi tháng 4/2023, cũng như các điều chỉnh tiếp theo được đưa ra vào tháng 11/2023 và tháng 2/2024.
Trước đó, tại cuộc họp ngày 1/2, OPEC+ đã thống nhất giữ nguyên chính sách sản lượng dầu thô. Cuộc họp tiếp theo của JMMC dự kiến diễn ra vào ngày 1/6.
Trong khi đó, Ấn Độ, nước tiêu thụ và nhập khẩu dầu lớn thứ ba thế giới, có kế hoạch xây dựng kho lưu trữ chiến lược dầu thô thương mại đầu tiên trong nỗ lực củng cố kho dự trữ như một biện pháp phòng ngừa trước bất kỳ sự gián đoạn nguồn cung nào.
Công ty Dự trữ Dầu khí Chiến lược Ấn Độ (ISPRL), do Chính phủ Ấn Độ thành lập để xây dựng và vận hành các kho dự trữ xăng dầu chiến lược trong nước, đã mời thầu xây dựng kho chứa ngầm 2,5 triệu tấn tại Padur, bang Karnataka, Tây Nam Ấn Độ. ISPRL trong giai đoạn đầu tiên đã xây dựng một kho dự trữ xăng dầu chiến lược trong các hang đá ngầm để lưu trữ 5,33 triệu tấn dầu thô tại ba địa điểm Visakhapatnam (1,33 triệu tấn) ở bang Andhra Pradesh và Mangalore (1,5 triệu tấn) và Padur (2,5 triệu tấn) ở Karnataka.
Trong Giai đoạn II, ISPRL dự định xây dựng một khu dự trữ dầu mỏ chiến lược kiêm thương mại trong các hang đá ngầm cùng với các cơ sở liên quan trên mặt đất, bao gồm Hệ thống phao neo một điểm (SPM) chuyên dụng và các đường ống liên quan (ngoài khơi và trên bờ) để lưu trữ 2,5 triệu tấn dầu thô tại Padur-II với chi phí là khoảng 660 triệu USD.