Trong phiên giao dịch ngày 1/8, giá dầu tiếp tục nối dài đà tăng sau những tín hiệu cho thấy cuộc xung đột ở Trung Đông có vẻ căng thẳng hơn. Thêm vào đó nhu cầu nhiên liệu tại Mỹ cũng cao hơn.
Giá dầu thô Brent chuẩn toàn cầu tương lai tăng 67 cent, tương đương 0,8%, lên 81,51 USD/thùng vào lúc 7h07 theo giờ Việt Nam, trong khi giá dầu thô WTI của Mỹ tăng 69 cent, tương đương 0,9%, lên 78,6 USD/thùng.
Dữ liệu của chính phủ cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm 3,4 triệu thùng trong tuần trước, cao hơn gấp ba lần mức giảm 1,1 triệu thùng mà các nhà phân tích dự kiến trong cuộc thăm dò của hãng tin Reuters. Dự trữ dầu của Mỹ đã giảm trong tuần thứ năm liên tiếp, chuỗi giảm dài nhất kể từ tháng 1/2021.
Nhà phân tích dầu mỏ hàng đầu tại Kpler, ông Matt Smith, cho biết rủi ro địa chính trị vẫn là động lực chính hỗ trợ đà tăng của giá dầu gần đây.
Trước đó trong phiên 30/7, giá dầu Brent và WTI đều giảm khoảng 1,4%, đóng cửa ở mức thấp nhất trong bảy tuần do hy vọng về một thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza có thể làm dịu căng thẳng ở Trung Đông và những lo ngại về nguồn cung.
Căng thẳng tại khu vực sản xuất dầu mỏ này “nóng lên” sau tin tức cho biết thủ lĩnh của lực lượng Hamas Ismail Haniyeh đã bị ám sát tại Iran.
Chỉ số đồng USD giảm 0,4% cũng hỗ trợ thị trường dầu. Đồng USD yếu hơn có thể thúc đẩy nhu cầu dầu, khiến hàng hóa được giao dịch bằng đồng bạc xanh này rẻ hơn cho những người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Tuy vậy, những lo ngại về nhu cầu nhiên liệu tại Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, đã hạn chế mức tăng của dầu. Và hoạt động sản xuất của các thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, cũng gây áp lực lên giá.
Các bộ trưởng hàng đầu của OPEC+ sẽ tổ chức một cuộc họp trực tuyến của ủy ban giám sát chung cấp bộ trưởng (JMMC) vào ngày 1/8.
Nga thông báo sẽ gia hạn lệnh cấm xuất khẩu xăng từ tháng 8 đến tháng 10, nhằm bù đắp cho nhu cầu trong nước tăng vào mùa xuân và mùa hè.
“Nga sẽ không dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu xăng trong tháng 8. Đây cũng là quyết định cơ bản trong tháng 9 và tháng 10” – hãng thông tấn TASS trích lời Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nga Pavel Sorokin.
Trước đó, Bloomberg đưa tin, xuất khẩu dầu trung bình qua đường biển trong 4 tuần của Nga đã giảm xuống còn 3,11 triệu thùng một ngày tính đến ngày 14.7, giảm gần 600.000 thùng (tương đương 17%) so với mức đỉnh gần đây vào tháng 4.
Các lô hàng dầu thô qua đường biển của Nga đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1, nhờ vào sự phục hồi của tỉ lệ lọc dầu trong nước lên mức cao nhất trong 6 tháng.
Trung Quốc và Ấn Độ có khả năng sẽ cảm nhận rõ nhất về việc cắt giảm xuất khẩu vì hai nước này mua hơn 80% lượng dầu thô qua đường biển của Nga. Tuy nhiên, người mua Trung Quốc và Ấn Độ vẫn có thể thay thế bằng dầu thô từ các thị trường khác.
Rystad Energy dự đoán rằng lưu lượng dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga sẽ vẫn bị giới hạn ở mức khoảng 2,7 triệu thùng/ngày trong tháng 7 và tháng 8 nhưng sẽ phục hồi nhẹ lên 2,9 triệu thùng/ngày vào tháng 9 khi các nhà máy lọc dầu của Nga dự kiến sẽ bắt đầu bảo dưỡng vào mùa thu theo truyền thống.
Trước đó, vào tháng 6, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) công bố báo cáo cho thấy nhu cầu dầu mỏ sẽ đạt đỉnh vào năm 2030. Theo Giám đốc IEA Fatih Birol, “khi quá trình phục hồi sau đại dịch mất đà, quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch được thúc đẩy và cơ cấu nền kinh tế Trung Quốc phát triển, tốc độ tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu chậm lại”, cho đến khi đạt đỉnh trước cuối thập kỷ này.
IEA cảnh báo về tình trạng dư thừa nguồn cung dầu “lớn” trong thời gian này. Theo dự báo của IEA, năng lực sản xuất sẽ tăng thêm 6 triệu thùng/ngày trên toàn thế giới vào năm 2030, đạt 114 triệu thùng/ngày, trong khi nhu cầu sẽ ở mức 106 triệu thùng/ngày, dư thừa gần 8 triệu thùng.