Giá vàng tăng khoảng 1% trong phiên 30/7, khi các nhà đầu tư vẫn lạc quan rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể đưa ra manh mối về việc hạ lãi suất vào tháng 9 khi kết thúc cuộc họp chính sách tuần này.

Vàng vọt lên nhờ kỳ vọng hạ lãi suất

Cụ thể, vào lúc 0 giờ 47 phút giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,8% lên 2.403,47 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 1% lên 2.451,9 USD.

Ông Phillip Streible, chiến lược gia trưởng tại công ty dịch vụ tài chính Blue Line Futures, cho biết châu Âu đang cho thấy một số vết nứt trong nền kinh tế và họ sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9 – thời điểm Mỹ cũng dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất. Chính kỳ vọng này đã hỗ trợ thị trường vàng.

Khi kết thúc cuộc họp kéo dài 2 ngày vào thứ Tư, Fed dự kiến ​​sẽ duy trì lãi suất hiện tại nhưng có thể báo hiệu khả năng nới lỏng chính sách sớm nhất là vào tháng 9.

Thị trường gần như chắc chắn Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9. Lãi suất thấp hơn làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng, vốn là tài sản không sinh lời.

Các nhà giao dịch cũng đang chờ đợi một loạt dữ liệu việc làm của Mỹ dự kiến ​​được công bố trong tuần này, bao gồm báo cáo bảng lương phi nông nghiệp quan trọng dự kiến công bố ​​vào thứ Sáu tới.

Số lượng việc làm tại Mỹ giảm nhẹ vào tháng 6 và dữ liệu của tháng trước đã được điều chỉnh cao hơn, cho thấy lực lượng lao động tiếp tục phục hồi, góp phần hỗ trợ nền kinh tế.

Ông Ole Hansen, Giám đốc chiến lược hàng hóa tại ngân hàng Saxo Bank, đánh giá, không thể loại trừ một số đợt giảm ngắn hạn đối với vàng, nhưng nhìn chung xu hướng giá tăng trong những tháng và quý tới vẫn còn.

Trong khi đó, nhu cầu vàng của Ấn Độ trong quý 2 đã giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng mức tiêu thụ trong nửa cuối năm 2024 sẽ được cải thiện do giá trong nước điều chỉnh sau khi thuế nhập khẩu giảm mạnh.

Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 1,6% lên 28,31 USD/ounce, giá bạch kim tăng 1,7% lên 965 USD và giá palladium giảm 1,4% xuống 890,93 USD.

‘Chất xúc tác’ để các nhà đầu tư tổ chức tham gia vào thị trường vàng

Vàng vọt lên nhờ kỳ vọng hạ lãi suất

Nhu cầu đầu tư vàng của phương Tây đang dần trở lại khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed chuẩn bị nới lỏng lãi suất sớm nhất là vào tháng 9. Tuy nhiên, theo một nhà quản lý danh mục đầu tư, một kịch bản cần phải xảy ra trước khi vàng thực sự ‘cất cánh’.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Kitco News, Ryan McIntyre, Đối tác quản lý tại Sprott Inc., cho biết, thị trường vàng đang ‘ngấp nghé’ một đợt tăng giá lớn khi nhu cầu đối với các quỹ giao dịch trao đổi được hỗ trợ bằng vàng bắt đầu tăng lên.

Bình luận của chuyên gia McIntyre được đưa ra khi giá vàng phải đối mặt với mức kháng cự mạnh mẽ ở mức 2.400 USD/ounce, chỉ vài tuần sau khi đạt mức đỉnh lịch sử trên 2.480 USD/ounce.

Chuyên gia McIntyre cho biết mặc dù việc Fed sắp hạ lãi suất khiến vàng trở nên hấp dẫn bởi chi phí cơ hội mua kim loại quý này giảm, nhưng vẫn chưa có động lực thực sự nào để các nhà đầu tư ‘nhảy’ vào thị trường ngay lúc này.

“Môi trường giao dịch vàng đang được cải thiện, nhưng tôi nghĩ vẫn chưa có tín hiệu nào đủ mạnh mẽ để các tổ chức ‘nhập cuộc’. Điều đó sẽ không xảy ra cho đến khi lo ngại rủi ro gia tăng trên thị trường”, ông nói.

Ông nhấn mạnh, ngay cả khi Fed cắt giảm lãi suất, lãi suất thực vẫn khá cao để các quỹ lớn có thể kiếm tiền bằng cách mua các quỹ thị trường tiền tệ ngắn hạn. Đây là một giao dịch có lợi vì Fed đã duy trì lập trường chính sách tiền tệ quyết liệt lâu hơn dự kiến.

Tuy nhiên, ông McIntyre kỳ vọng tâm lý đầu tư sẽ thay đổi đáng kể khi nền kinh tế chậm lại. Điều này bắt đầu gây áp lực lên thị trường chứng khoán.

“Những đánh giá của chúng tôi về thị trường chứng khoán Mỹ không mấy lạc quan, và nhiều loại tài sản khác cũng vậy. Đối với tôi, mọi con đường đều dẫn đến vàng, nếu mọi người đang tìm tài sản đa dạng hóa đầu tư”, ông cho biết.

Mặc dù nền kinh tế vẫn khá kiên cường, tăng trưởng 2,8% trong quý 2, ông McIntyre cho biết vẫn còn nhiều dấu hiệu cảnh báo yếu kém. Trong đó, mối đe dọa lớn nhất vẫn là thâm hụt ngày càng tăng.

“Thâm hụt 7% trong một nền kinh tế đang bùng nổ sẽ khiến mọi người hoảng sợ”, ông nói, đồng thời ông cũng chỉ ra khả năng nợ tăng vọt và tác động của nó đối với vị thế của đồng USD, vốn là đồng tiền dự trữ của thế giới. “Khi nền kinh tế chậm lại, thâm hụt sẽ cao hơn rất nhiều”.

Các bình luận được đưa ra khi nợ công của Mỹ đạt mức kỷ lục mới là 35 nghìn tỷ USD.

Trong khi chính sách tiền tệ của Fed sẽ tạo ra biến động ngắn hạn trên thị trường vàng, McIntyre dự kiến ​​thâm hụt ngày càng tăng sẽ có tác động dài hạn lớn hơn nhiều đối với kim loại quý này. Chỉ là vấn đề thời gian trước khi đồng USD phải đối mặt với sự mất giá lớn.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Bình luậnx