Khép lại phiên giao dịch ngày 5/3, giá dầu giảm thêm gần 1% bất chấp sự sụt giảm của đồng USD. Tồn kho dầu thô Mỹ cũng tăng tuần thứ 6 liên tiếp.

Vàng đen kéo dài chuỗi giảm giá

Giá dầu Brent giảm 76 cent, tương đương 0,9%, xuống mức 82,04 USD/thùng, trong khi giá dầu thô WTI của Mỹ giảm 59 cent, tương đương 0,8%, xuống mức 78,15 USD/thùng. Cả hai mặt hàng dầu chuẩn đều giảm hơn 1 USD trong phiên.

Theo Reuters, ngày 5-3, Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, đã công bố mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2024 là khoảng 5%. Mặc dù mục tiêu này tương tự như mục tiêu của năm ngoái và phù hợp với kỳ vọng của các nhà phân tích, nhưng việc thiếu các kế hoạch kích thích lớn để vực dậy nền kinh tế đã khiến các nhà đầu tư thất vọng.

Nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS nhận xét mục tiêu tăng trưởng của Trung Quốc ổn định, nhưng phần còn thiếu và chưa rõ ràng ở đây là để đạt được mục tiêu đó cần gói kích thích nào.

Theo nhà phân tích này, tâm lý e ngại rủi ro gia tăng trên thị trường tài chính cũng gây áp lực lên giá. Ngày 5-3, giá vàng đạt mức cao kỷ lục do đặt cược vào việc cắt giảm lãi suất của Mỹ vào tháng 6 ngày càng tăng, trong khi Phố Wall giảm do sự suy yếu của các cổ phiếu vốn hóa lớn.

Hạn chế đà giảm của giá dầu trong phiên là sự suy giảm của đồng USD do tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ giảm. Đồng bạc xanh rẻ hơn thường hỗ trợ giá dầu bằng cách nâng cao nhu cầu từ các nhà đầu tư nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Theo Viện Quản lý Cung ứng (ISM), trong tháng 2, tăng trưởng ngành dịch vụ của Mỹ chậm lại trong bối cảnh việc làm sụt giảm. Cụ thể, PMI dịch vụ giảm xuống 52,6 từ mức 53,4 hồi tháng 1. PMI phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục, bất chấp việc Fed tăng lãi suất 525 điểm cơ bản kể từ tháng 3-2022.

Nhà phân tích Robert Yawger của Mizuho cho biết: “Thị trường thực sự đang tìm kiếm tiêu đề tiếp theo, tập trung vào các báo cáo dự trữ sắp tới”.

Tồn kho dầu thô của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 1/3 tiếp tục tăng tuần thứ 6 liên tiếp với mức tăng khá khiêm tốn 423.000 thùng, thấp hơn rất nhiều so với mức dự đoán tăng khoảng 2,1 triệu thùng của các nhà phân tích.

Hiện thị trường đang kỳ vọng nhu cầu dầu của Trung Quốc sẽ cải thiện khi nhu cầu đi lại tăng trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vượt xa lo ngại về các chỉ số kinh tế vĩ mô chậm.

Liên quan đến nguồn cung, chính quyền Nga công bố lệnh cấm xuất khẩu xăng dầu trong 6 tháng, kể từ ngày 1-3 để bù đắp cho nhu cầu tăng cao và cho phép bảo trì nhà máy lọc dầu.

Russel Hardy, Giám đốc điều hành của công ty kinh doanh dầu khí Vitol cho biết, thị trường dầu thô toàn cầu dự kiến sẽ khá ổn định trong năm nay, ở mức khoảng 80 USD/thùng và nhu cầu dầu toàn cầu dự kiến sẽ đạt đỉnh vào đầu những năm 2030.

Trong những tuần gần đây, sự sụt giảm hoạt động lọc dầu của Mỹ và tình trạng gián đoạn thương mại toàn cầu đã thắt chặt nguồn cung dầu diesel và làm giảm lượng xuất khẩu từ Mỹ sang châu Âu trong tháng này.

Giá dầu diesel của Mỹ đã nhanh chóng tăng lên mức cao nhất trong 4 tháng với hơn 48 USD/thùng trong tháng Hai. Bên cạnh đó, xung đột trên Biển Đỏ cũng ảnh hưởng đến việc vận chuyển dầu.

Vàng đen kéo dài chuỗi giảm giá

Ủy ban châu Âu (EC) đã đề nghị các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục hạn chế tiêu thụ khí đốt, nhưng nới lỏng chính sách khi cho phép hoàn toàn tự nguyện, một dấu hiệu tích cực cho thấy cuộc khủng hoảng năng lượng ở khu vực này có thể đã qua.

Các nước EU năm 2022 đặt mục tiêu tự nguyện cắt giảm 15% mức tiêu thụ khí đốt trong các tháng mùa Đông, một trong số nhiều biện pháp khẩn cấp đã được thông qua sau khi Nga giảm nguồn cung cho châu Âu, gây khủng hoảng và khiến giá cao kỷ lục.

Trước đó, ngày 27/2 EC đã khuyến nghị các nước cần tiếp tục giảm mức tiêu thụ khí đốt 15% so với mức trung bình trong giai đoạn 2017-2022. Tuy nhiên, EC đã hủy bỏ yêu cầu bắt buộc như đã được nhất trí vào năm 2022.

Theo các quan chức EU, một số nước cho rằng chính sách trên không còn cần thiết, do cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu đã qua và các nước đã liên tục giảm nhu cầu khí đốt kể từ sau khi nổ ra xung đột giữa Nga và Ukraine.

EC nhận định tình hình nguồn cung năng lượng ở châu Âu đã cải thiện đáng kể, khi các nước đã thay thế nguồn cung của Nga bằng năng lượng tái tạo và khí đốt từ các nguồn cung khác.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Bình luậnx