Tiêu điểm:
- Vàng tăng 1,8% trong tháng 5
- Bạc ghi nhận tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 11 năm 2022
- Palladium giảm gần 4%
Giá vàng thế giới giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (31/5), khi nhà đầu tư đánh giá báo cáo lạm phát quan trọng của Mỹ với những con số nhìn chung phù hợp với dự báo. Tuy nhiên, nhờ kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) rồi sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay, giá vàng đã hoàn tất tháng tăng thứ tư liên tiếp.
Cụ thể, vào lúc 0 giờ 50 phút rạng sáng ngày 1/6 giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay đã từ bỏ mức tăng trước đó và giảm 0,7% ở mức 2.326,90 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,9% xuống còn 2.345,8 USD.
Tuy nhiên, giá vàng thế giới trong tháng 5 đã tăng tổng cộng 1,8% và đạt mức cao nhất 2.449,89 USD/ounce hôm 20/5.
Nhà giao dịch kim loại độc lập có trụ sở tại New York (Mỹ), Tai Wong, cho biết: “Giá vàng giảm nhẹ mặc dù Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân lõi (PCE) được công bố phù hợp với dự báo và chi tiêu tiêu dùng Mỹ yếu hơn. Điều này có thể cho thấy đây có thể là sự điều chỉnh của thị trường trong ngắn hạn sau đợt phục hồi đáng chú ý kể từ đầu năm 2024 đến nay”.
Dữ liệu cho thấy PCE của Mỹ tăng 0,3% trong tháng 4, phù hợp với dự báo của các nhà kinh tế đã đưa ra trước đó và là tháng đầu tiên trong năm 2024 áp lực lạm phát ổn định thay vì tăng tốc so với tháng trước. Trong 12 tháng tính đến tháng 3/2024, lạm phát lõi (tính theo PCE) tăng 2,7% như dự kiến.
Ông Tai Wong nói: “Nhiều thống đốc Fed cho biết sẽ mất vài tháng lạm phát giảm để thuyết phục họ rằng việc nới lỏng lãi suất là an toàn. Hiện tại, triển vọng về một đợt hạ lãi suất trong tháng 9/2024 vẫn khá bấp bênh”.
Vào thứ Sáu, kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất bắt đầu từ tháng 9/2024 đã bị thu hẹp khi số liệu lạm phát tháng Tư giữ nguyên so với tháng trước đó và còn cách khá xa so với mục tiêu 2% mà các nhà hoạch định chính sách tiền tệ Mỹ đã đề ra.
Chủ tịch Fed chi nhánh Dallas, Lorie Logan, ngày 30/5, chia sẻ lạm phát vẫn đang hướng tới mục tiêu 2%, nhưng lưu ý rằng còn quá sớm để xem xét việc cắt giảm lãi suất.
Mặc dù vàng thường được coi là biện pháp bảo vệ chống lại lạm phát, nhưng lãi suất cao hơn sẽ làm tăng chi phí cơ hội khi nắm giữ tài sản không sinh lời này.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 2,7% xuống còn 30,34 USD/ounce, nhưng ghi nhận tháng tăng lớn nhất kể từ tháng 11 năm 2022.
Còn giá bạch kim tăng 1,4% lên 1.038,25 USD và palladium giảm 4% xuống còn 909,71 USD.
Sự mất cân bằng cung/cầu bạc trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng có thể khiến giá bạc tăng vọt
Trong khi quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu đòi hỏi các vật liệu quan trọng như coban, lithium và niken, bạc đóng vai trò quan trọng trong nhiều công nghệ năng lượng sạch và thị trường đang phản ánh thực tế này, theo Maria Smirnova, Đối tác quản lý tại Sprott và Giám đốc đầu tư tại Sprott Asset Management.
“Sau một năm hoạt động không đổi (bạc tăng 0,66% vào năm 2023), cho đến nay trong năm 2024, bạc đã có một đợt tăng giá mạnh, tăng 32,93% tính đến thời điểm viết bài (tính đến ngày 27/5/2024)”, Smirnova đã viết trong báo cáo bạc mới nhất của Sprott. “Bạc đã bắt kịp đà tăng giá của vàng. Cả hai kim loại đều được thúc đẩy bởi triển vọng nới lỏng chính sách tiền tệ tại Mỹ, tình hình bất ổn địa chính trị gia tăng ở Trung Đông và hoạt động mua vào của các ngân hàng trung ương, đặc biệt là từ Trung Quốc. Bạc phải đối mặt với nhiều trở ngại vào năm 2023, đáng chú ý nhất là lãi suất tăng và tăng trưởng kinh tế chậm lại ở cả Mỹ và Trung Quốc.”
Chuyên gia Smirnova lưu ý rằng mặc dù thị trường bạc vật chất hoạt động mạnh mẽ vào năm 2023, nhu cầu đầu tư của phương Tây vẫn yếu, bằng chứng là các quỹ giao dịch hoán đổi ETF bạc đã bán 50 triệu ounce trong năm này, tương đương 6% tổng lượng nắm giữ. Bà cho biết: “Trong tương lai, chúng tôi kỳ vọng giá bạc sẽ tiếp tục cải thiện nhờ lãi suất thấp hơn, đầu tư vật chất mạnh mẽ hơn, sức mua ETF và nhu cầu công nghiệp tăng”.
Bà Smirnova nhấn mạnh: “Năm thứ ba, nhu cầu bạc đã vượt xa nguồn cung vào năm 2023 khi nhu cầu ứng dụng công nghiệp tiếp tục tăng. Phần lớn sự tăng trưởng này là do lĩnh vực quang điện thúc đẩy và nhìn chung, nhu cầu công nghiệp dự kiến sẽ tăng 9% trong năm nay lên mức cao kỷ lục mới.”
Smirnova lưu ý, động lực này sẽ hỗ trợ các công ty khai thác bạc bên cạnh việc thúc đẩy giá kim loại xám trên thị trường.
Chuyên gia Smirnova cũng chỉ ra sự thay đổi cơ bản về nhu cầu đối với bạc, bà tin rằng điều này có khả năng chưa dừng lại.
“Theo truyền thống, một nửa nhu cầu về bạc đến từ lĩnh vực công nghiệp, và một nửa còn lại bao gồm các danh mục đầu tư và tương tự đầu tư như đồ trang sức, đồ dùng bằng bạc và đầu tư thỏi bạc và tiền xu”, bà nhấn mạnh. “Tuy nhiên, trong những năm gần đây, cán cân đã chuyển dịch theo hướng có lợi cho nhu cầu công nghiệp, hiện chiếm 55% tổng nhu cầu về bạc, tức là tăng 11% so với năm 2022”.
Công ty Sprott của bà Smirnova nhận thấy ba lĩnh vực chính sẽ thúc đẩy nhu cầu bạc trong công nghiệp tăng trong những năm tới. Đó là lĩnh vực sản xuất năng lượng mặt trời, ngành ô tô, bao gồm xe điện (EV) và cơ sở hạ tầng liên quan, và trí tuệ nhân tạo (AI).