Giá vàng tăng cao vào thứ Tư (27/3) khi các nhà đầu tư chờ đợi dữ liệu lạm phát của Mỹ vốn có thể gợi ý manh mối mới về thời điểm Cục Dự trữ Liên bang sẽ bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ.
Cụ thể, vào lúc 19 giờ 05 phút giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,3% ở mức 2.185,89 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 0,4% ở mức 2.184,80 USD.
Các nhà đầu tư hiện đang chờ dữ liệu chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi của Mỹ trong tháng 2 sẽ được công bố vào thứ Sáu tuần này. Trước đó, chỉ số này đã tăng 0,3% trong tháng trước, con số hàng năm duy trì ở mức 2,8%.
Nhà phân tích Giovanni Staunovo của ngân hàng UBS của Thụy Sỹ cho biết: “Fed có thể cần số liệu lạm phát cao hơn để có thể cân nhắc lại lộ trình ba lần hạ lãi suất trong năm nay ở Mỹ”. Trong phiên giao dịch vào thứ Sáu, thanh khoản có thể yếu hơn do kỳ nghỉ lễ ở châu Âu.
Vàng đã đạt mức cao kỷ lục vào tuần trước sau khi các nhà hoạch định chính sách của Fed cho biết họ duy trì kỳ vọng hạ lãi suất 3/4 điểm phần trăm vào cuối năm 2024, bất chấp chỉ số lạm phát cao gần đây.
Chuyên gia Staunovo cho biết: “Các ngân hàng trung ương tiếp tục mua vàng để đa dạng hóa dự trữ tiền tệ của họ. Điều này đã bù đắp cho sự suy yếu từ nhu cầu đầu tư, mà việc này lại tập trung nhiều hơn vào kỳ vọng cắt giảm lãi suất của Mỹ”.
Các nhà giao dịch đang định giá xác suất 70% Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 6, theo Công cụ FedWatch của sàn giao dịch CME Group. Lãi suất thấp hơn làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng.
Trước đó, thị trường chứng khoán Mỹ trượt dốc vào thứ Ba và từ bỏ mức tăng nhẹ vào cuối phiên khiến chỉ số Dow Jone và S&P 500 giảm phiên thứ ba liên tiếp.
SPDR Gold Trust, quỹ giao dịch trao đổi vàng lớn nhất thế giới, cho biết lượng nắm giữ của họ đã giảm 0,62% xuống 830,15 tấn vào thứ Ba.
Nhập khẩu vàng của Ấn Độ có thể giảm hơn 90% trong tháng 3 so với tháng 2 do các ngân hàng giảm nhập khẩu sau khi giá cao kỷ lục ảnh hưởng đến nhu cầu vàng.
Bạc vẫn có thể vượt trội hơn vàng
Bạc tiếp tục hoạt động kém hiệu quả trên thị trường kim loại quý và không thể giữ mức tăng trên 25 USD/ounce ngay cả khi giá vàng giữ gần mức cao kỷ lục.
Bất chấp hành động giá đáng thất vọng, nhiều nhà phân tích vẫn lạc quan rằng bạc sẽ đến lượt tỏa sáng.
Ngay cả khi biến động cao hơn, Nicky Shiels, trưởng chiến lược kim loại tại MKS PAMP, cho biết bạc đang xây dựng một mức sàn vững chắc trên 23,50 USD/ounce. Cô dự đoán tiềm năng kim loại màu trắng sẽ đạt 28 USD/ounce trong năm nay.
Cùng với việc giảm lãi suất của Fed, Shiels lưu ý rằng bạc vẫn được hỗ trợ tốt bởi các nguyên tắc cơ bản mạnh mẽ về cung và cầu khi nhu cầu tiếp tục vượt xa nguồn cung.
Cô chỉ ra rằng kim loại vật chất này vẫn tiếp tục chứng kiến nhu cầu mạnh mẽ của Ấn Độ. Theo dữ liệu thương mại của Ấn Độ, cô Sheils cho biết trong hai tháng đầu năm, Ấn Độ đã nhập khẩu khoảng 3.000 tấn bạc.
Cô nói: “Mặc dù tốc độ nhập khẩu có thể giảm bớt, nhưng chúng tôi chưa thấy nhu cầu mua vàng giảm mạnh ở mức giá trên 25 USD/oz”.
Đồng thời, các nhà phân tích dự đoán nhu cầu kim loại dành cho lĩnh vực công nghiệp tiếp tục duy trì ở mức vừa phải sẽ khiến thị trường bạc rơi vào tình trạng thiếu hụt trong năm nay. Theo nghiên cứu của Silver Institute, nhu cầu bạc toàn cầu dự kiến sẽ đạt 1,2 tỷ ounce vào năm 2024, mức cao thứ hai được ghi nhận.
Chuyên gia Shiels lưu ý rằng nhu cầu bạc liên tục đã đẩy lượng dự trữ của Hiệp hội Thị trường Vàng thỏi London xuống mức thấp kỷ lục 814 triệu ounce.
Trong khi đó, nguồn cung bạc tiếp tục suy giảm. Sheils lưu ý rằng sản lượng bạc từ Mexico và Peru, hai nhà sản xuất hàng đầu thế giới, đã giảm xuống mức thấp nhất trong 14 năm.
Để thu hút các nhà đầu tư quay trở lại với bạc, Shiels kỳ vọng nhu cầu đầu tư sẽ tăng khi các ngân hàng trung ương bắt đầu hạ lãi suất. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể sẽ bắt tay vào chu kỳ nới lỏng vào tháng Sáu. Cô nói thêm rằng sự bất ổn về địa chính trị trước cuộc bầu cử ở Mỹ cũng có thể thúc đẩy một số nhu cầu trú ẩn an toàn đối với bạc.