Tiêu điểm
- Tehran không có kế hoạch đáp trả sau cuộc tấn công của Israel.
- Nhà đầu tư quay trở lại với các tài sản rủi ro hơn
- Dữ liệu lạm phát PCE sẽ phát hành vào thứ Sáu
Giá vàng giảm hơn 1% trong phiên giao dịch đầu tuần vào thứ Hai, do lo ngại về một cuộc xung đột lan rộng ở Trung Đông giảm bớt đã làm giảm sức hấp dẫn trú ẩn an toàn của vàng, trong khi những người tham gia thị trường chờ đợi chỉ số lạm phát quan trọng của Mỹ sẽ công bố vào cuối tuần này để tìm manh mối về chính sách lãi suất sắp tới.
Cụ thể, vào lúc 14 giờ 16 phút giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay giảm 1,4% xuống 2.357,19 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 1,8% xuống 2.371,00 USD.
Tehran đã không đẩy vấn đề lên cao trào sau khi Israel sử dụng máy bay không người lái trả đũa nhằm vào Iran cuối tuần qua. Động thái này được cho là nhằm tránh leo thang căng thẳng trong khu vực.
Giá vàng đã tăng cao tới mức 2.417,59 USD trong phiên trước đó, một mức không xa so với mức cao kỷ lục 2.431,29 USD đạt được vào ngày 12 tháng 4.
Kelvin Wong, một chuyên gia kinh tế, đồng thời là nhà phân tích thị trường cấp cao khu vực Châu Á Thái Bình Dương tại OANDA cho biết: “Hiện tại, thị trường thiếu chất xúc tác để giá vàng thực sự tăng cao hơn. Tại thời điểm này, có vẻ như thị trường đang nhận ra rằng chi phí nắm giữ vàng cao hơn”.
Chứng khoán châu Á đã bù đắp phần nào các khoản lỗ và lợi suất trái phiếu tăng, khiến các nhà đầu tư quay trở lại với các tài sản rủi ro hơn.
Tuy nhiên, chuyên gia Wong cho biết phí bảo hiểm rủi ro địa chính trị vẫn duy trì tích cực trong trung và dài hạn do xung đột giữa Israel và Hamas vẫn chưa xuống thang hoặc dấu hiệu ngừng bắn.
Trong khi đó, tiến trình giảm lạm phát đã “bị đình trệ” trong năm nay, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ chi nhánh Chicago Austan Goolsbee cho biết. Ông đồng tình với các quan chức Fed khác, những người tin rằng lãi suất sẽ cần duy trì ở mức cao lâu hơn để kiềm chế áp lực giá cả.
Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân, thước đo lạm phát ưa thích của Fed, PCE sẽ được công bố vào thứ Sáu.
Nghiên cứu của ngân hàng Citi Group cho biết: “Mặc dù nguy cơ thoái lui tồn tại trong thời gian ngắn trước khi kết thúc quý 2 ngày càng tăng, chúng tôi vẫn kỳ vọng thị trường vàng và bạc sẽ bứt phá cao hơn trong nửa cuối năm 2024, lần lượt lên 2.500 USD/ounce và 30-32 USD/ounce”.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 3,2% xuống 27,72 USD/ounce, bạch kim mất 0,6% xuống 925,70 USD và palladium giảm 1,7% ở mức 1.008,62 USD.
Vàng tăng giá trong một thị trường phản ứng nhanh nhạy
Hai tuần trước, giá vàng tăng lên mức cao kỷ lục, vượt 2.400 USD/ounce và đánh dấu tuần tăng thứ 4 liên tiếp. Giá vàng đã trải qua một đợt giảm giá nhẹ và các nhà đầu tư đã chốt lời sau mức cao gần đây. Điều này không chỉ cho thấy phản ứng của thị trường trước các kích thích tài chính ngay lập tức mà còn thể hiện sự bất an sâu sắc hơn, mang tính hệ thống hơn của giới đầu tư, đặc biệt liên quan đến lạm phát và bất ổn toàn cầu. Bà Michele Schneider, chuyên gia nghiên cứu và đào tạo giao dịch của MarketGauge.com, đã phân tích những yếu tố thúc đẩy thị trường vàng, nêu bật những khó khăn hiện tại của Cục Dự trữ Liên bang và đưa ra các tín hiệu kinh tế lớn có thể ảnh hưởng đến hành vi của nhà đầu tư.
Bà Schneider giải thích: “Lạm phát dai dẳng ở một số lĩnh vực nhất định đã dẫn đến sự biến động đáng kể của thị trường”. “Chúng tôi đang thấy nhiều khu vực vẫn còn chịu áp lực bởi lạm phát tăng, trong khi những khu vực khác đang chuyển sang giảm phát.” Tính hai mặt này đặt ra một câu hỏi hóc búa cho Cục Dự trữ Liên bang, theo bà Schneider, có vẻ Fed không chắc chắn về hướng đi tiếp theo của lãi suất trước những tín hiệu kinh tế trái chiều này.
Theo báo cáo mới nhất, nợ công của Mỹ ở mức xấp xỉ 32 nghìn tỷ USD, với khoản thanh toán lãi hàng năm gần 500 tỷ USD. Báo cáo gần đây cho thấy giá tiêu dùng tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước, phản ánh sự phức tạp đang diễn ra trong nền kinh tế. Sự gia tăng Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) này cho thấy áp lực lạm phát vẫn tiếp tục tồn tại, thách thức cả các nhà hoạch định chính sách và thị trường khi họ điều hướng sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và ổn định giá cả.
Trong lúc này, thị trường vàng vẫn ‘đứng vững’ trước những bình luận quyết liệt bất ngờ từ Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell. Ông đã phát biểu trong một sự kiện ở Washinton, D.C. và cho biết, sau báo cáo lạm phát mới nhất, ngân hàng trung ương Mỹ không đủ tự tin để cắt giảm lãi suất.
Một số nhà phân tích cho rằng môi trường này sẽ tiếp tục hỗ trợ lợi suất trái phiếu cao hơn và đồng đô la Mỹ mạnh hơn, vốn là hai yếu tố cản trở truyền thống đối với vàng.
Ông Ole Hansen, Giám đốc phụ trách chiến lược hàng hóa tại ngân hàng Saxo, cho rằng “thị trường có thể bất ngờ nhận ra đồng USD và lợi suất đang tăng mạnh và triển vọng Fed sớm cắt giảm lãi suất gần như đã biến mất”
Tuy nhiên, chuyên gia Hansen nói thêm rằng thị trường vàng có thể khá kiên cường và với tất cả những bất ổn tài chính toàn cầu, nó vẫn có khả năng gây bất ngờ cho các nhà đầu tư.