Giá dầu thế giới tiếp nối đà tăng trong phiên 10/5 và ghi nhận tuần tăng giá khi số liệu từ Trung Quốc và Mỹ cho thấy nhu cầu tại hai quốc gia tiêu thụ dầu thô lớn nhất thế giới này có thể tăng lên.
Giá dầu Brent tăng 30 cent, tương đương 0,4%, lên mức 83,88 USD/thùng. Giá dầu WTI của Mỹ tăng 27 cent, tương đương 0,3%, lên mức 79,26 USD/thùng. Đây là mức đóng cửa cao nhất đối với cả hai loại dầu tiêu chuẩn kể từ ngày 30-4.
Hạn chế mức tăng của giá dầu trong phiên là dữ liệu cho thấy nhu cầu xăng và dầu diesel của Mỹ trong tuần trước yếu nhất kể từ đại dịch Covid-19 năm 2020.
Lý giải cho sự biến động nhẹ của giá dầu trong phiên, Phil Flynn, nhà phân tích tại Price Futures Group, cho biết: “Giá dầu giao dịch trong phạm vi rất hẹp. Không có nhiều tin tức về dầu. Nền tảng là tin tức địa chính trị từ Trung Đông nhưng lại không rõ ràng”.
Tại Trung Quốc, trong tháng 4 nhập khẩu dầu thô đã tăng so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu và nhập khẩu cũng ghi nhận mức tăng trưởng. Điều này cho thấy nhu cầu trong và ngoài nước đã tăng lên khi Bắc Kinh có động thái củng cố nền kinh tế.
Tina Teng, một nhà phân tích thị trường độc lập, nhận xét: “Dữ liệu cán cân thương mại của Trung Quốc được cải thiện đã góp phần thúc đẩy đà tăng giá”.
Trong khi đó, tại Mỹ, số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới trong tuần trước đã tăng lên mức cao nhất trong hơn 8 tháng, một bằng chứng nữa cho thấy thị trường lao động đang hạ nhiệt.
Các nhà phân tích dự đoán rằng, với đà suy yếu của thị trường lao động, Fed có thể sẽ cân nhắc 2 đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay. Lãi suất thấp hơn sẽ làm giảm chi phí đi vay và có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như nhu cầu về dầu.
Liên quan đến diễn biến ở Trung Đông, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cảnh báo Mỹ sẽ ngừng cung cấp vũ khí cho Israel nếu Nhà nước này tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn vào thành phố Rafah, phía Nam Gaza.
Cảnh báo của Tổng thống Biden có thể thúc đẩy Israel ký thỏa thuận ngừng bắn với Hamas. Tuy nhiên, nếu Israel trở nên táo bạo hơn trước lập trường của Mỹ thì thị trường có thể phục hồi trở lại mức cao nhất trong nhiều tháng.
Trong báo cáo cập nhật triển vọng năng lượng ngắn hạn (STEO) tháng 5/2024 công bố ngày 7/5, EIA cho biết nhu cầu tiêu thụ dầu thô và các nhiên liệu lỏng trên toàn thế giới dự kiến tăng 920.000 thùng/ngày lên 102,84 triệu thùng/ngày trong năm 2024, giảm nhẹ so với mức tăng 950.000 thùng/ngày đưa ra trong báo cáo STEO tháng 4/2024.
Sản lượng khai thác dầu thô và các nhiên liệu lỏng toàn thế giới dự kiến tăng 970.000 thùng/ngày lên 102,76 triệu thùng/ngày trong năm nay, cao hơn so với ước tính trước đó là 850.000 thùng/ngày.EIA đã nâng dự báo sản lượng từ các khu vực ngoài Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), đồng thời hạ dự báo nhu cầu từ các nền kinh tế phát triển.
Cán cân thị trường được cải thiện cũng dẫn đến việc EIA điều chỉnh giảm dự báo giá dầu trong những tháng còn lại của năm. Theo đó, giá dầu Brent được dự báo trung bình 90 USD/thùng vào quý III/2024 và giảm xuống 88,67 USD/thùng vào quý IV/2024. Dự báo trước đó của EIA cho thấy giá dầu Brent vượt 91 USD/thùng trong quý III/2024 và trên 89 USD/thùng trong quý IV/2024.
Đối với Mỹ, nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới, EIA đã hạ dự báo sản lượng trong năm nay xuống 13,20 triệu thùng/ngày, vẫn là mức cao kỷ lục nhưng thấp hơn một chút so với dự báo trước đó là 13,21 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, sang năm 2025, cơ quan này dự báo mức sản lượng kỷ lục mới là 13,73 triệu thùng/ngày, tăng so với dự báo trước đó là 13,72 triệu thùng/ngày.
EIA dự báo một số nhà sản xuất trong OPEC+, gồm OPEC và một số nước sản xuất dầu đồng minh, sẽ hạn chế sản lượng sau khi việc cắt giảm sản lượng tự nguyện hiện tại hết hạn vào cuối tháng 6/2024.
Tuần trước, các nguồn tin từ OPEC+ cho biết nhóm này chưa bắt đầu các cuộc đàm phán chính thức về việc kéo dài thời gian cắt giảm, nhưng có thể sẽ gia hạn nếu nhu cầu dầu không phục hồi. Cuộc họp tiếp theo của nhóm diễn ra vào ngày 1/6 tới.