Tiêu điểm:
- Vàng giảm 3,5% vào 7/6, mạnh nhất kể từ tháng 11 năm 2020
- Dữ liệu CPI của Mỹ sẽ công bố vào thứ Tư
- Cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang bắt đầu vào thứ Ba
- Giới phân tích cho biết động thái mua vàng của Trung Quốc là trọng tâm của thị trường
Giá vàng thế giới hồi phục trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (10/6), lấy lại ngưỡng chủ chốt 2.300 USD/ounce, sau khi trải qua phiên giảm mạnh nhất hơn 2 năm vào hôm thứ Sáu. Hiện nhà đầu tư đang chờ kết quả cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tuần này.
Cụ thể, vào lúc 1 giờ 17 phút sáng ngày 11/6 giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,8% ở mức 2.310,81 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng cao hơn khoảng 0,1% ở mức 2.327 USD.
Trưởng chiến lược gia thị trường Phillip Streible của công ty Blue Line Futures nhận định phiên bán tháo vào hôm thứ Sáu có vẻ quá sâu và “các nhà đầu tư săn hàng giá rẻ đã xuất hiện tại điểm giá này”.
“Có nhiều dữ liệu và sự kiện quan trọng trong tuần này, nên giá vàng sẽ còn có nhiều biến động”, ông Streible nói thêm.
khoảng 83 USD, tương đương 3,5%. Đây là mức giảm trong một ngày lớn nhất kể từ tháng 11/2020 sau khi báo cáo việc làm của Mỹ mạnh hơn dự kiến làm giảm hy vọng về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất vào tháng 9. Bên cạnh đó, ngân hàng trung ương Trung Quốc đang ngừng mua vàng dự trữ đã khiến các nhà đầu tư tạm dừng đặt cược vào nhu cầu của Trung Quốc.
“PBOC không phải lúc nào cũng mua vàng. Có những giai đoạn họ mua rồi nghỉ trong nhiều tháng. Nhưng chừng nào PBOC chưa mua vàng trở lại, giá vàng có thể di chuyển ngang bởi chủ đề Trung Quốc mua vàng vốn dĩ thu hút sự quan tâm đặc biệt của thị trường”, nhà phân tích Carsten Menke của công ty Julius Baer nhận định.
Phiên phục hồi này của giá vàng diễn ra ngay cả khi đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cùng tăng. Thị trường tài chính toàn cầu, trong đó có giới đầu tư vàng, đang hồi hộp chờ báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 của Mỹ và kết quả cuộc họp Fed, dự kiến sẽ lần lượt được công bố vào thứ Tư.
Thị trường dự báo Fed sẽ không có động thái điều chỉnh lãi suất nào trong lần họp này, thị trường sẽ chú ý đến các dự báo kinh tế cập nhật của các nhà hoạch định chính sách và cuộc họp báo của Chủ tịch Fed Jerome Powell sau khi kết thúc cuộc họp kéo dài hai ngày.
Lãi suất cao hơn làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng, vốn là tài sản không sinh lời.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 1,9% lên 29,72 USD/ounce và bạch kim tăng 0,8% ở mức 973,60 USD, trong khi palladium giảm khoảng 0,9% xuống 904,25 USD.
Dòng vốn ròng chảy vào các quỹ ETF vàng lần đầu tiên sau 12 tháng
Biến động trên thị trường vàng đang gia tăng khi giá giảm mạnh nhất trong hai năm vào tuần trước. Tuy nhiên, kim loại quý cũng cho thấy sức hấp dẫn khi thu hút các nhà đầu tư mới vào tháng trước.
Trong phân tích hàng tháng về các quỹ giao dịch trao đổi được hỗ trợ bằng vàng công bố hôm thứ Năm, Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho biết, dòng vốn toàn cầu đã chuyển biến tích cực trong tháng 5, chấm dứt 12 tháng liên tiếp rút ròng.
Tuy nhiên, nhu cầu đầu tư vẫn còn một khoảng trống.
Các nhà phân tích cho biết: “Với nhu cầu vàng ETF được cải thiện trong tháng 5, lượng vàng nắm giữ chung đã tăng trở lại lên 3.088 tấn, nhưng vẫn thấp hơn -8,2% so với mức trung bình năm 2023”.
WGC lưu ý rằng giới đầu tư tại châu Á đang ngày càng quan tâm đến quỹ ETF vàng. Trong khi đó, nhu cầu của châu Âu chuyển biến tích cực vào tháng trước, trong khi ở Bắc Mỹ, dòng vốn lại đang ở vùng âm.
Phân tích theo khu vực, các quỹ niêm yết ở Bắc Mỹ chứng kiến dòng vốn rút ròng là 2,3 tấn, trị giá 139 triệu USD. WGC lưu ý rằng tháng 5 ghi nhận mức giảm ít nhất kể từ tháng 12 năm 2019.
Năm nay, lượng vàng nắm giữ ở Bắc Mỹ đã giảm hơn 69 tấn, trị giá 4,3 tỷ USD.
Các nhà phân tích lưu ý rằng mặc dù sự bất ổn về địa chính trị đã tạo ra một số nhu cầu trú ẩn an toàn đối với vàng, nhưng quan điểm diều hâu từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed sẽ dẫn đến một số áp lực bán.
Bên kia Đại Tây Dương, các quỹ ETF châu Âu chứng kiến dòng vốn đổ vào 5,6 tấn, trị giá 287 triệu USD. Tuy nhiên, WGC lưu ý rằng thị trường vẫn còn nhiều biến động khi các quỹ ETF của khu cực Eurozone thu hút các nhà đầu tư trong khi các quỹ của Anh chứng kiến dòng vốn chảy ra.
“Dòng vốn vào chủ yếu được thúc đẩy bởi kỳ vọng rằng ECB sẽ cắt giảm lãi suất vào đầu tháng 6, như được phản ánh chủ yếu qua các quỹ của Thụy Sĩ và Đức: Tháng 5 đánh dấu lần thứ hai trong năm nay Đức có dòng vốn vào và lần đầu tiên Thụy Sĩ ghi nhận dòng vốn v kể từ tháng 7 năm 2023”, các nhà phân tích cho biết. “Tuy nhiên, cuộc bầu cử sớm hơn dự kiến ở Vương quốc Anh cùng với lạm phát cao hơn dự đoán đã đẩy lùi kỳ vọng của nhà đầu tư về việc cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Anh”.
Mặc dù nhu cầu của châu Á tương đối thấp nhưng nó vẫn tiếp tục thu hút sự chú ý mạnh mẽ của thị trường khi các nhà đầu tư, dẫn đầu là Trung Quốc, đã tăng cường đầu tư vào các quỹ ETF vàng trong 15 tháng liên tiếp.
Các quỹ châu Á đã chứng kiến dòng vốn đổ vào tương đương 5 tấn vào tháng trước, trị giá 398 triệu USD.